Página inicial  > Một quyết định không công bằng và bất hợp lý
 Một quyết định không công bằng và bất hợp lý

Một quyết định không công bằng và bất hợp lý

Một quyết định không công bằng và bất hợp lý

Tiếng nói từ doanh nghiệp

Ngay sau khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả cuối cùng, chúng tôi đã liên hệ với Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (STAPIMEX) Trần Văn Phẩm - công ty chịu mức thuế cao nhất là 9,75%. Theo Tổng Giám đốc Trần Văn Phẩm, việc DOC áp mức thuế chống bán phá giá (CBPG) lên con tôm Việt Nam là không công bằng và bất hợp lý. Trước hết, việc tính toán dựa trên nước thứ ba thay thế là Băng-la-đét đã không phù hợp vì giá đầu vào tôm nuôi ở nước đó từ trước đến nay luôn cao hơn Việt Nam, kỹ thuật nuôi tôm của họ cũng hạn chế hơn nước ta nên đẩy giá thành sản xuất lên cao. Trong khi đó, ở nước ta, kỹ thuật nuôi, giống, kiểm soát dịch bệnh tốt hơn nên giá thành sản xuất thấp hơn. Chính vì vậy, giá tôm Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ sẽ thấp hơn so với giá tôm bán tại nước sản xuất (cụ thể ở đây là Băng-la-đét). Cách tính này luôn gây bất lợi cho các nhà xuất khẩu vì cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu có quyền tự do lựa chọn một nước thứ ba thay thế và giá cả ở nước này thường khác xa giá cả tại nước xuất khẩu do có các điều kiện sản xuất, hoàn cảnh thương mại khác nhau. Trao đổi ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước Trần Văn Lĩnh bức xúc: Phương pháp tính giá mà DOC áp dụng lần này là thiếu tính khoa học cả về mặt thống kê và thực tiễn. Ðiều này thể hiện ngay trong kết quả DOC công bố, khi mà mức thuế chống bán phá giá kỳ này tăng cao đột biến trong khi mức thuế của kỳ xem xét trước (POR7) lại là 0% đối với tất cả các doanh nghiệp. Rõ ràng đây là sự áp đặt phi lý. Sự áp đặt này sẽ khiến giá tôm của Việt Nam bán vào thị trường Mỹ bị hạ thấp xuống, ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu tôm trong nước, thậm chí chịu thua lỗ nặng nề.

Không chỉ đối với doanh nghiệp mà đằng sau quyết định không công bằng này, người nuôi tôm vốn đã chịu rủi ro trong nuôi trồng, nay chắc chắn sẽ phải chịu thêm nhiều thiệt hại. Ông Sáu Ngoạn - chủ hộ nuôi tôm lớn ở tỉnh Bạc Liêu cho hay: Tuy chưa biết quyết định của DOC sẽ gây ảnh hưởng như thế nào đến toàn ngành sản xuất tôm của cả nước nhưng với những hộ nuôi như chúng tôi thì nhìn thấy ngay thiệt hại. Mấy ngày nay, ở đầm nuôi nào cũng râm ran chuyện con tôm bị áp thuế chống bán phá giá quá cao, doanh nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng, có thể thua lỗ nên sẽ ngay lập tức ép giá mua từ người nông dân. Hiện, giá tôm trên địa bàn tỉnh những ngày qua đã bắt đầu giảm từ 15 nghìn đồng đến 20 nghìn đồng/kg tùy loại. Chúng tôi chỉ mong muốn các doanh nghiệp, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Nhà nước có cách thức đấu tranh hợp lý với những quyết định của DOC để giữ vững sự ổn định cho ngành xuất khẩu tôm, từ đó cũng giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi tôm.

Giải pháp trước mắt và lâu dài

Tôm là một mặt hàng xuất khẩu chiến lược của ngành thủy sản nước nhà, dự kiến năm 2014, sẽ đem lại mức kim ngạch lên tới hơn 3,5 tỷ USD. Tuy nhiên, những khó khăn gặp phải khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ đang trở thành rào cản cho mục tiêu này vì Mỹ cũng là một trong những thị trường nhập khẩu tôm lớn của Việt Nam. Hiện, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam VASEP đã có quyết định gửi kháng kiện lên Tòa án thương mại quốc tế Mỹ. Cũng theo VASEP, sau khi có kháng kiện mang tính pháp lý, chúng ta tiếp tục các giải pháp kỹ thuật thông qua việc mời các chuyên gia kinh tế, luật sư thông thạo các quy tắc mậu dịch quốc tế đưa ra những biện luận, chứng minh phương pháp áp dụng để tính thuế chống bán phá giá của DOC là hoàn toàn thiếu cơ sở khoa học. Khi đó, phía họ có thể sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát, thanh tra lại tổng thể và đưa ra một mức thuế khác so với hiện nay.

Trao đổi về những giải pháp ứng phó với quyết định của DOC, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước Trần Văn Lĩnh cho biết: Trong khi tiếp tục chờ đợi sự chuyển biến từ phía Mỹ, chúng tôi đã hoạt động theo phương châm đa dạng hóa sản phẩm và đa phương hóa khách hàng. Nhận định rõ việc xuất khẩu vào thị trường Mỹ gặp nhiều khó khăn, chúng tôi chủ động mở rộng thị trường sang khu vực Bắc Âu, Trung Mỹ và các quốc gia khác như Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân... Trong khi đó, đơn vị chịu mức thuế cao nhất là Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng thì quyết định thay đổi chiến lược chiếm lĩnh thị trường Mỹ bằng cách tăng các mặt hàng có giá trị gia tăng cao để tránh thuế chống bán phá giá.

Tuy nhiên, theo nhận định, việc đấu tranh chống lại các rào cản kỹ thuật hay việc tìm thị trường mới, tránh lệ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ cũng chỉ là giải pháp trước mắt. Còn về lâu dài, VASEP cần sớm tính đến việc thống nhất một mức giá sàn xuất khẩu tôm. Theo đó, các doanh nghiệp trong nước phải nâng cao tính liên kết trong sản xuất và xuất khẩu, chứ không thể tiếp tục tình trạng mạnh ai nấy làm như hiện nay. Một trong những bằng chứng cụ thể của sự thiếu liên kết là trong quyết định lần này của DOC, vẫn có sáu doanh nghiệp trong nước được hưởng mức thuế suất 0%. Vì vậy, tới đây, song hành cùng giải pháp đấu tranh pháp lý và mở rộng thị trường, thì câu chuyện liên kết và thống nhất giữa các doanh nghiệp xuất khẩu tôm càng cần được quan tâm hơn nữa.

Trong tám tháng đầu năm 2014, xuất khẩu tôm của nước ta sang Mỹ đạt hơn 694 triệu USD, tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm 2013. Hiện, Mỹ là một trong những thị trường lớn nhập khẩu thủy sản của Việt Nam, chiếm hơn 22% thị phần. Cũng tính đến hết tháng 8, xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc tăng tới 115% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 185 triệu USD. Xuất khẩu tôm sang EU tăng gần 100%, đạt 388 triệu USD. Xuất khẩu tôm sang Nhật Bản cũng đã tăng trưởng trở lại sau nhiều tháng bị cản trở bởi rào cản dư lượng kháng sinh.

Fonte do artigo: