Página inicial  > Mua danh ba vạn...
 Mua danh ba vạn...

Mua danh ba vạn...

Mua danh ba vạn...

1 Sophia Urista là một cái tên gây chấn động dư luận người yêu nhạc quốc tế hồi trung tuần tháng 11 vừa qua, với một hành động xấu xí và thô bỉ ngay ở một liveshow, đến mức độ không xứng đáng được nhắc lại chi tiết ở đây. Tuy nhiên, trả giá cho điều đó, nữ ca sĩ nhạc rock đã phải nhận những cơn thịnh nộ khủng khiếp từ khán giả.

Dù vậy, ngược dòng lịch sử âm nhạc thế giới, điều Sophia Urista thể hiện có lẽ cũng không "kinh dị" hơn là bao so với những lần mất kiểm soát của không ít "tiền bối" tên tuổi, mà ngôi sao Ozzy Osbourne của ban nhạc rock lẫy lừng Black Sabbath là một thí dụ điển hình. Có một thời, những ngôi sao như Ozzy đã tự cho mình quá nhiều đặc quyền, để công khai thể hiện sự phóng túng đến đàng điếm ở mọi nơi, đạp đổ mọi giới hạn về thuần phong mỹ tục.

Và thời đó, người hâm mộ hầu như chưa có thói quen lên tiếng. Hay nói đúng hơn, tiếng nói của họ chưa giàu "quyền uy" như hiện tại.

2 Song, không phải lúc nào khán giả mộ điệu-nhất là những người hâm mộ tự tin và tự trọng-cũng im lặng. Nếu phải nhắc đến một thí dụ điển hình về chuyện "thần khẩu hại xác phàm", không phải ai khác, chúng ta có thể nghĩ đến ngay John Lennon và ban nhạc The Beatles huyền thoại.

Ngay từ năm 1966, khi "lỡ lời": "Chúng tôi còn nổi tiếng hơn cả Chúa Jesus", John và The Beatles đã kích hoạt những đợt sóng thần phản ứng. Đang từ "cơn cuồng Beatles" (Beatlemania), công chúng quay ngoắt sang trạng thái thù địch. Đĩa hát của The Beatles không những bị kêu gọi tẩy chay, mà thậm chí những khán giả đã trót mua còn mang ra đốt, hoặc đập vỡ. Có những đợt xuống đường biểu tình rầm rộ nhằm phản đối thông điệp (vốn cũng có phần bị cắt rời khỏi ngữ cảnh) đó. Quản lý của The Beatles-Brian Epstein-thậm chí còn phải hủy một tour lưu diễn của họ ở Mỹ, bởi lo ngại về vấn đề an ninh.

Dĩ nhiên, không có lựa chọn khác, The Beatles phải công khai xin lỗi công chúng, vì đã vô tình xúc phạm đến đức tin của phần đông trong số họ. Ban nhạc nổi tiếng nhất mọi thời đại, từ đó, cũng không bao giờ còn biểu diễn trực tiếp nữa.

Nghĩa là, người hâm mộ đã luôn sở hữu năng lực điều chỉnh hành vi của chính thần tượng. Và có thể thấy điều này từ thời điểm đó.

Hơn 50 năm sau, khái niệm "thần tượng" đã mở rộng hơn rất nhiều. Nhưng, cho dù là một facebooker, một ngôi sao trình diễn (entertainer), một streamer, một võ sĩ đấu tự do hay một cầu thủ bóng đá…, tất thảy đều chịu chung thứ áp lực: Phải cư xử một cách có trách nhiệm với chính hình ảnh của mình, nếu muốn còn tiếp tục được tận hưởng lòng ưu ái của khán giả, hào quang cũng như tiền tài.

Bởi vậy, đã không còn xa lạ gì, chuyện ngôi sao điện ảnh gạo cội Thành Long (Jackie Chan) cúi đầu hối lỗi trước khán giả, vì con trai ông nghiện ma túy. Xin lỗi khán giả chính là việc đầu tiên tất cả các thần tượng phải làm, từ Á sang Âu-Mỹ. Song, còn quan trọng hơn cả lời xin lỗi, chuyện "cẩn thận từng li từng tí", nhất là với các "thần tượng tuổi teen", đã trở thành một quy chuẩn bắt buộc. Đơn cử, tất cả mọi ngôi sao được Hãng Disney tuyển chọn và lăng-xê đều có thể đánh mất tất cả, chỉ cần một lầm lỗi nào đó bị các phụ huynh phản hồi, cho dù có được giới thanh thiếu niên phương Tây và toàn cầu mê mẩn. Selena Gomez, Miley Cyrus, Zac Efron hay Demi Lovato… đều ý thức rất rõ được điều ấy. Họ chỉ tự cho phép mình "tự do" hơn một chút, khi đã thành niên.

3 Ở thời đại thế giới phẳng này, chúng ta đã chứng kiến cách fandom của "Công chúa nhạc pop" Britney Spears bảo vệ chính quyền lợi của cô-ở cuộc đấu tranh đòi tòa án từ bỏ quyền giám hộ mà đến giờ Britney vẫn phải chấp nhận, theo cách cay cực và đày đọa. Thế giới cũng đã thấy fandom của nhóm nhạc Hàn Quốc BTS dùng mạng lưới mạng xã hội khổng lồ của mình để tạo sức ảnh hưởng, chẳng hạn dập tắt các tiếng nói phân biệt chủng tộc. Những người hâm mộ trẻ tuổi ấy có kiến thức, có chủ kiến, có hoài bão tạo nên những thay đổi tích cực cho thế giới.

Họ hoàn toàn không mù quáng. Họ thực hiện tất cả những điều đó vì chính họ. Và, cũng là để tô điểm thêm hào quang cho thần tượng của họ…

Big Hit Music, công ty đại diện của nhóm nhạc BTS, có tổng tài sản 4 tỷ USD. 20% cổ phần của công ty được các nhà đầu tư cá nhân nhanh chóng mua lại với giá 800 triệu USD, gấp 10 lần khoản lợi nhuận trung bình hằng năm của doanh nghiệp. Đáng chú ý, những người mua cổ phiếu không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp. Họ mua vì muốn kết nối với những người có chung sở thích. Cộng đồng người hâm mộ BTS đóng góp 88% doanh thu của công ty, giúp mang về khoản lợi nhuận 86 triệu USD.

Fonte do artigo: