Página inicial  > Cần chiến lược đồng bộ và dài hơi
 Cần chiến lược đồng bộ và dài hơi

Cần chiến lược đồng bộ và dài hơi

Cần chiến lược đồng bộ và dài hơi

Việt Nam là một quốc gia hiếm hoi có đường bờ biển trải dài tới khoảng 3.260 cây số, với khoảng 125 bãi biển giàu tiềm năng khai thác du lịch. Trong 63 tỉnh, thành thì có tới 28 nơi được hưởng những thanh âm rì rào sóng vỗ đại dương. Chúng ta cũng may mắn được sở hữu tới 82 hòn đảo ven bờ có diện tích hơn một cây số vuông, 24 đảo trong số đó rộng hơn 10 km2 với hệ sinh thái đảo cách bờ không xa vô cùng hấp dẫn luôn gọi mời khám phá. Đó là còn chưa kể tới vẻ quyến rũ khó cưỡng của ba địa danh Hạ Long - Nha Trang - Lăng Cô lọt vào danh sách 30 vịnh biển đẹp nhất trái đất, Đà Nẵng được tạp chí Forbes (Mỹ) lọt “top sáu bãi biển quyến rũ nhất hành tinh”. Gắn chặt và làm nên hệ sinh thái vô cùng đa dạng của biển đảo còn có tới tám khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận trải dài từ bắc vào nam. Đặc biệt, điểm nhấn Hạ Long đã hai lần được UNESCO vinh danh Di sản thiên nhiên thế giới và vừa lọt vào nhóm bảy kỳ quan thiên nhiên thế giới mới do tổ chức New Open World bầu chọn.

Thế nhưng, theo ý kiến nhiều chuyên gia và cả khách du lịch nước ngoài, “Việt Nam rất giàu tiềm năng để xây dựng và định vị thương hiệu quốc tế cho những bãi biển của mình nhưng rất tiếc lại chưa biết cách biến ưu thế thành hiện thực”.

Những gì ngành du lịch nói riêng, cả nước nói chung nỗ lực làm được cho sự phát triển du lịch biển đảo đã được ghi nhận trong nhiều bài viết nên xin không bàn ở đây. Trong khuôn khổ bài viết nhỏ này, chúng tôi chỉ muốn đề cập tới những bất cập còn tồn tại và đang chờ được tháo gỡ.

Tiến sĩ Nguyễn Phú Đức, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam phân tích: “Để có được thương hiệu biển Việt Nam rất cần có sản phẩm chất lượng và được bán với giá cao. Điều này chúng ta loay hoay mãi mà vẫn chưa làm được”. Bởi hiện đang có rất nhiều rào cản trên chặng đường khẳng định sức hấp dẫn không thể chối từ của những địa danh biển đảo Việt.

Dịch vụ vui chơi giải trí ở các khu du lịch quá ít ỏi và nghèo nàn. Mức tăng trưởng hàng năm của ngành công nghiệp không khói không chỉ phụ thuộc vào con số lượt khách đến Việt Nam, doanh thu ước bao nhiêu tỉ đồng mà còn liên quan rất mật thiết tới số phần trăm người chịu quay lại lần thứ hai hay mức chi tiêu bình quân đầu người trong suốt hành trình. Thực trạng sản phẩm du lịch quá đỗi sơ sài, ít cung cấp được những loại hình thuyết phục du khách chịu chi tiền là một bài toán đang rất cần có lời giải. Cứ thử đến với những điểm du lịch biển đảo được coi là khá phát triển hiện nay như Mũi Né, Vũng Tàu, Hạ Long, Phú Quốc... mà xem. Khách sẽ làm gì cho hết một buổi tối dài, sau khi ngồi lai rai ăn nhậu đồ hải sản ngay bên bờ biển. Biểu diễn nghệ thuật truyền thống, giới thiệu những nét văn hóa bản địa đặc sắc ư? Rất hiếm và nếu có cũng chưa được quy hoạch cho bài bản và chuyên nghiệp. Đi vũ trường, tới quán bar ư? Còn khó hơn nữa. Muốn thưởng thức nét đặc sắc trong ẩm thực địa phương ư? Mới 23 giờ là hàng quán đã nhất loạt đóng cửa.

Muốn thuyết phục khách đến và quyết định trở lại lần sau, giá cả phải giữ được ở mức độ ổn định, nếu triển khai được càng nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá nhằm kích cầu du lịch (nhờ cái bắt tay liên kết giữa đơn vị lữ hành - hàng không, đường sắt, đường thủy và các cơ sở lưu trú) càng tốt. Tiếc là chỉ có một số ít địa phương như Bình Thuận, Côn Đảo... giữ được sự bình ổn cần thiết này. Số đông còn lại đã đẩy du khách vào cơn ác mộng, khi các loại hình dịch vụ thi nhau tăng giá vô tội vạ vào mùa cao điểm.

Rất nhiều vùng biển, hòn đảo giàu ưu thế nhưng không thể đạt tốc độ phát triển du lịch như mong muốn vì quá thiếu cơ sở hạ tầng. Hiện tại, chỉ những vùng biển - đảo may mắn sở hữu sân bay như Nha Trang - Đà Nẵng - Côn Đảo - Phú Quốc... mới có thể thu hút được đông đảo du khách. Bởi ra đảo bằng các phương tiện như tàu cao tốc, tàu thủy, ca-nô, xuồng máy tiêu tốn quá nhiều thời gian đi lại, đã vậy luôn bị phụ thuộc hoàn toàn vào tình trạng thời tiết, sóng biển. Để phát triển du lịch, điện lưới và nước ngọt đầy đủ là yếu tố tiên quyết. Nhưng nhiều hòn đảo như Phú Quý, Quan Lạn, Cù lao Chàm, Lý Sơn vẫn chưa thể đáp ứng - dù nhu cầu khám phá những điểm đến hấp dẫn này của du khách cực kỳ lớn. Đã thế, với đặc trưng đảo nhỏ, diện tích đất canh tác - trồng trọt rất hẹp nên nguồn lương thực - thực phẩm đều trông cậy vào nguồn cung đất liền. Biển động cả tuần là nguồn dự trữ bị vét cạn, giá cả dịch vụ tăng vùn vụt là chuyện bất khả kháng.

Nguồn nhân lực chất lượng phục vụ cho công tác du lịch cũng là một vấn đề nan giải. Hướng dẫn viên, nhân viên lễ tân hay phục vụ buồng phòng, chủ quán ăn uống hay tài xế taxi... đều là những mắt xích quan trọng tạo nên chuỗi chất lượng dịch vụ hoàn hảo trong mắt khách ghé thăm. Trừ một số rất ít địa phương quản lý chặt chẽ và xây dựng nét văn hóa thân thiện cần có cho đội ngũ quan trọng này như Côn Đảo - Bình Thuận - Đà Nẵng..., cứ thử tới Sầm Sơn - Hạ Long - Cát Bà hay Vũng Tàu mà xem, du khách đều bị “chém đẹp” mọi cách mọi nơi, theo đúng kiểu tư duy chụp giật “dân du lịch chỉ tới một lần, không tận thu là thiệt”. Nguyên nhân chính là những địa danh mang bộ mặt xấu xí dưới mắt khách du lịch kể trên đều không chú trọng đến gắn kết cái chung với lợi ích thiết thực của chính cộng đồng cư dân ven biển và vì thế, luôn phải nhận lại những thách thức lớn trên con đường phát triển bền vững. Bởi nếu từng người dân nhận thức được việc chung tay xây dựng thương hiệu mạnh cho du lịch tỉnh nhà cũng đồng nghĩa với việc được nhận lại đời sống kinh tế khá hơn, dân cư được chia sẻ lợi nhuận bằng nhiều hình thức khác nhau thì chính họ sẽ tự nguyện tham gia phát triển du lịch biển đảo hào hứng nhất.

Phương thức khai thác trùng lặp, giẫm chân lên nhau và chưa tìm ra và khai thác triệt để thế mạnh của riêng mình cũng là vấn nạn mà khá nhiều điểm đến biển đảo đang phải đối mặt. Khách không thể hào hứng, khi đi dọc bờ biển miền bắc vào tới miền trung để thụ hưởng cùng một mô hình sản phẩm du lịch giống hệt nhau. Thử tới Cát Bà - Đồ Sơn rồi vào Sầm Sơn - Cửa Lò - Thiên Cầm... mà xem, khách chỉ loanh quanh trong một vòng tròn ăn - nghỉ - tắm biển là hết. Nhưng nếu mỗi địa phương xác định được một điểm mạnh và khai thác cho tới, sự đa dạng hóa sẽ lập tức thu hút du khách ngay. Thí dụ Khánh Hòa biết tận dụng Festival biển Nha Trang, phát triển hình thức du lịch MICE (kết hợp hội nghị, hội thảo). Đà Nẵng khai thác triệt để ưu thế du lịch khám phá - nghỉ dưỡng, trở thành trung tâm trung chuyển khách và dịch vụ du lịch. Thừa Thiên - Huế tập trung vào du lịch văn hóa (di sản, lễ hội, ẩm thực)... thì chắc chắn tất cả sẽ trở thành những thỏi nam châm với sức hút không thể cưỡng lại.

Đó là còn chưa kể tới tốc độ phát triển ồ ạt nhưng thiếu quy hoạch khoa học tổng thể đã khiến cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ lúc ban đầu bị phá vỡ hoàn toàn, những bãi biển thơ mộng giờ bị phủ kín, ken chặt bởi hệ thống khách sạn - resort. Nét đẹp thiên nhiên ban tặng đang bị chính người dân và du khách phá hủy không thương tiếc. Hạ tầng cơ sở không phát triển kịp tốc độ bê-tông hóa, đô thị hóa quá nhanh dẫn đến phá vỡ cảnh quan sinh thái, hệ thống xử lý xả thải bất lực làm ô nhiễm môi trường.

Theo ý kiến đóng góp của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, du lịch Việt Nam đang cần phải có một nhạc trưởng với những chiến lược đồng bộ và dài hơi. Bộ VH-TT&DL, Tổng cục Du lịch Việt Nam rồi Viện nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam cũng đã có rất nhiều nỗ lực, khi xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch rất chi tiết. Chiến lược đã có, đường đi nước bước đã được hoạch định tỉ mỉ nhưng với cả loạt những thực trạng đáng buồn vừa kể trên, có vẻ như “vị nhạc trưởng” ấy vẫn phải”mơ về nơi xa lắm”!

* Thực trạng sản phẩm du lịch quá đỗi sơ sài, ít cung cấp được những loại hình thuyết phục du khách chịu chi tiền là một bài toán đang rất cần có lời giải. Cứ thử đến với những điểm du lịch biển đảo được coi là khá phát triển hiện nay như Mũi Né, Vũng Tàu, Hạ Long, Phú Quốc... mà xem.

Fonte do artigo: